Soạn Văn lớp 10 Bộ Chân trời sáng tạo | Văn bản 1: Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây (Bài 2: Sồng cùng ký ức cộng đồng)

Ngày 23/09/2022 15:58:01, lượt xem: 2452

Bài 2: SỐNG CÙNG KÍ ỨC CỦA CỘNG ĐỒNG

Văn bản 1: Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây (Trích Đăm Săn, sử thi Ê-đê)

 

 

Câu 1. Tóm tắt các sự kiện chính trong văn bản trên.

Trả lời: 

Trong văn bản trên có năm sự kiện chính:

- Vì vợ bị bắt, Đăm Săn đến nhà Mtao Mxây, gọi hắn xuống nhà để khiêu chiến.

- Trận chiến giữa Mtao Mxây và Đăm Săn diễn ra, Đăm Săn chiếm thế chủ động nhưng vẫn chưa thể giành được chiến thắng.

-  Được ông Trời mách, Đăm Săn đánh bại Mtao Mxây.

- Mtao Mxây thua trận, trận chiến kết thúc, dân làng và tôi tớ đi theo Đăm Săn cùng cải về làng mình và ở tiệc ăn mừng lớn. 

- Các từ trưởng và khách khứa khắp nơi cùng đến dự rất đông vui. Uy danh của chàng càng thêm lừng lẫy.

Câu 2. Đăm Săn đã gặp khó khăn gì vào thời điểm cuối cuộc giao chiến với Mtao Mxây? Nhờ đâu mà chàng vượt qua được khó khăn ấy để giành chiến thắng?

Trả lời: 

Vào cuối cuộc giao chiến với Mtao Mxây, Đăm Săn gặp khó khăn vì đâm Mtao Mxây mà không thủng, không thể đánh thắng được hắn. Hai bên không phân thắng bại mà Đăm Săn cũng đã thấm mệt.

Nhờ có ông Trời chỉ cách lấy cái chày mòn ném vào vành tai, làm áo giáp của Mtao Mxây rơi xuống, Đăm Săn đã giành chiến thắng.

Trong văn hoá người Ê Đê, đôi tai là chỗ hiểm, là cơ quan cảm giác cực kì quan trọng, thiêng liêng.

 

ĐỌC THÊM SOẠN VĂN LỚP 10 BỘ CHÂN TRỜI SÁNG TẠO | VĂN BẢN 2: PRÔ-MÊ-TÊ VÀ LOÀI NGƯỜI VÀ VĂN BẢN 3: ĐI SAN MẶT ĐẤT

 

Câu 3. Đăm Săn và Mtao Mxây đều là những tù trưởng tài giỏi, nhưng văn bản trên đã cho thấy, người xứng đáng được xem là anh hùng của cộng đồng chỉ có thể là Đăm Săn. Hãy so sánh hai nhân vật để làm rõ điều đó.

Trả lời: 

So sánh hai nhân vật:

- Về Đăm Săn: Chàng có sức khỏe phi thường, tài múa khiên điêu luyện (thấy được trong trận chiến). Chàng còn là một người khẳng khái, không thèm đánh lén Mtao Mxây. Đăm Săn còn khéo léo ăn được miếng trầu Hơ Nhị ném xuống. Được ông Trời giúp sức, chỉ điểm chứng tỏ trận chiến của Đăm Săn là chính nghĩa.

- Về Mtao Mxây: Hắn tuy có sức khoẻ nhưng không thể bằng Đăm Săn, bằng chứng là giữa trận chiến hắn bảo Hơ Nhị ném cho hắn một miếng trầu để tăng thêm sức mạnh. Hắn múa khiên không giỏi vì khi múa một mình “khiên hắn kêu lạch xạch như quả mướp khô”.  Mtao Mxây còn có phần hèn nhát khi ban đầu không dám xuống gặp trực tiếp Đăm Săn. Hắn cũng không khảng khái nên mới nghĩ người khác có thể đnahs lén mình. Điểm mạnh nhất của hắn phải kể đến bộ giáp đâm không thủng.

=> Như vậy, Đăm Săn và Mtao Mxây đều là những tù trưởng tài giỏi, nhưng văn bản trên đã cho thấy, người xứng đáng được xem là anh hùng của cộng đồng chỉ có thể là Đăm Săn.

Câu 4. Trong sử thi, lời nói của nhân vật thường góp phần quan trọng trong việc thể hiện tính cách, vị thế xã hội của mình. Hãy chọn và phân tích một số lời thoại của Đăm Săn trong văn bản trên để làm rõ điều đó.

Trả lời: 

Khi Mtao Mxây sợ không dám xuống, Đăm Săn nói: “Sao ta lại đâm ngươi khi đang đi xuống nhỉ? Ngươi xem, đến cả con lợn nái của nhà ngươi dưới đất, ta cũng không thèm đâm nữa là!”; “Sao ta lại đâm ngươi khi ngươi đang đi nhỉ? Ngươi xem, đến con trâu của nhà ngươi trong chuồng, ta cũng không thèm đâm nữa là!”. Lời nói tự tin, dõng dạc, khẳng định chắc chắn cho thấy sự cương trực, khẳng khái của Đăm Săn, không thèm đánh lén Mtao Mxây.

Trong trận chiến, Đăm Săn có nói với Mtao Mxây: Sao ngươi lại chém cái chão cột trâu? Còn khoeo chân ta, ngươi dành làm gì? => Lời nói của Đăm Săn cho thấy sức mạnh và sự chủ động của chàng trong trận chiến. Đăm Săn cho thấy mình có vị thế cao hơn khi khiêu chiến với Mtao Mxây.

Lúc gặp ông Trời, Đăm Săn nói: “Ôi chao! Chết mất thôi, ông ơi! Cháu đâm mãi mà không thủng hắn!”. Lời nói của bề dưới nhưng rất thân mật, thể hiện mối quan hệ gần gũi với thần linh.

Lúc nói với dân làng: “Ơ các con, ơ các con, hãy đi lấy rượu bắt trâu! Rượu năm ché, trâu dâng một con để cúng thần, cáo tổ tiên, cầu sức khoẻ cho ta mới đi đánh kẻ thù, bắt tù binh, giẫm nát đất đai một tù trưởng nhà giàu về”. Lời nói thể hiện sự quyền uy trên cao của một vị tù trưởng giàu mạnh.

Câu 5. Cho biết:

a. Tác dụng của lối nói quá và cách ví von trong văn bản; nhận xét về ngôn ngữ

sử thi.

b. Cụm từ “bà con xem…” trong văn bản trên là lời của ai hướng đến ai? Theo bạn, việc sử dụng những cụm từ như thế trong văn bản sử thi có tác dụng gì?

Trả lời: 

a, Lối nói quá thể hiện tập trung ở cảnh Đăm Săn múa khiên, đánh trận: “Đăm Săn rung khiên múa. Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh. Một lần xốc tới nữa, chàng vượt một đồi lồ ô,, đồng thời hạ thấp sức mạnh và khả năng của Mtao Mxây…”,“khi chàng múa chạy nước kiệu, quả núi ba lần rạn nứt, ba đồi tranh bật rễ bay tung”,...

Cách ví von có trong văn bản: “Kêu lạch xạch như quả mướp khô”, “chàng múa trên cao, gió như bão. Chàng múa dưới thấp, gió như lốc. … Khi chàng múa dưới thấp, vang lên tiếng đĩa khiên đồng. Khi chàng múa trên cao, vang lên tiếng đĩa khiên kênh. => Tác dụng: Làm cho người đọc dễ hình dung về nhân vật, đồng thời tạo ấn tượng mạnh mẽ, tô đâm sức mạnh và khả năng chiến đấu của Đăm Săn, đồng thời hạ thấp sức mạnh và khả năng của Mtao Mxây.

b, Cụm từ “bà con xem…” trong văn bản trên là lời của người kể sử thi hướng tới người đọc. Theo em, việc sử dụng cụm từ như vậy trong văn bản sử thi thể hiện cách kể diễn xướng, đồng thời có tác dụng thể hiện tính cộng đồng vốn có của đồng bào dân tộc, đồng thời kéo người đọc hòa cùng vào không khí sử thi.

Câu 6. Cảnh tiệc tùng và hình ảnh Đăm Săn ở nửa sau của văn bản gợi cho bạn suy nghĩ gì về phong tục và không khí hội hè của người Ê-đê?

Trả lời: 

Cảnh tiệc tùng và hình ảnh Đăm Săn ở nửa sau của văn bản cho em biết thêm nhiều điều thú vị về văn hoá của người Ê-đê:

- Quy mô bữa tiệc vô cùng hoành tráng, có tù trưởng đứng đầu, có các tù trường khác cùng đến tham dự, dân làng và tôi tới cùng chung vui. Sự cố kết cộng đồng rất chặt chẽ, gần gũi. Đồng thời cho thấy sự giàu có và thịnh vượng của buôn làng.

- Đánh thắng trận, dân làng cùng ăn mừng, cùng cầu phúc từ trời đất. Đây là phong tục thể hiện tín ngưỡng độc đáo của người Ê-đê xưa.

- Trong bữa tiệc có nhắc đến chiêng - loại nhạc cụ độc đáo của không gian văn hoá người Ê-đê.

- Bữa tiệc ăn mừng còn ảnh hưởng và liên kết với cả thiên nhiên núi rừng.

Câu 7. Có người cho rằng văn bản Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây có đủ yếu tố của truyện, kịch và thơ. Cho biết ý kiến của bạn về nhận định trên.

Trả lời: 

Theo em, với tính chất của một văn bản sử thi (sử thi là một thể loại tự sự dân gian ra đời từ thời cổ đại, thường kết hợp lời thơ với văn xuôi), Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây có sự kết hợp đủ các yếu tố truyện, kịch và thơ:

- Yếu tố truyện: Văn bản có hệ thống nhân vật chính, phụ, có người kể chuyện, mạch chuyện rõ ràng.

- Yếu tố kịch: Văn bản có xung đột, có mâu thuẫn gay cấn giữa Đăm Săn và Mtao Mxây buộc phải giải quyết, có đối thoại và hành động chống đối nhau. Các lượt lời đan xen thể hiện mạch kể.

- Yếu tố thơ: Văn bản có yếu tố trữ tình, thể hiện cảm xúc ngợi ca người anh hùng, lời văn giàu hình ảnh, giàu sức gợi về bức tranh trận chiến, bức tranh ăn mừng.

 

ĐỒNG HÀNH CÙNG CHỊ TRONG KHÓA HỌC VĂN VIP LỚP 10 ĐỂ KHÔNG LO LẮNG TRƯỚC CHƯƠNG TRÌNH MỜI NHÉ!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan